Cái khó của các quán cà phê biệt thự tại TP.HCM

Nhiều chủ quán cho hay việc mở cửa hàng tại các căn biệt thự có những ưu – nhược điểm khác nhau. Điều khó nhất là cải tạo không gian nhưng vẫn giữ nguyên sự hoài cổ của công trình.


Khai trương từ năm 2020, quán cà phê Logan Station (trên đường 19A, TP Thủ Đức) thu hút nhiều dân văn phòng và giới trẻ với lối kiến trúc châu Âu cổ điển kết hợp yếu tố industrial. Quán có tổng diện tích 200 m2 với 2 tầng, được chia ra nhiều khu vực để sử dụng tổ chức sự kiện.


Khánh Vy (sinh năm 1997), nhân viên quán, cho hay thời gian cao điểm nhất trong ngày là từ 8h đến 11h – khung giờ phục vụ khách đi cà phê sáng, làm việc, gặp bạn bè. Khách có nhu cầu check-in thường đến vào buổi chiều, khi trời đỡ nắng gắt, mát mẻ hơn.

“Quán có sức chứa tầm 80-90 người, chúng tôi còn tích hợp thêm dịch vụ thuê không gian có chi phí 300.000 đồng cho nhóm có gọi nước và từ 600.000 đồng/3 tiếng với những khách không mua đồ uống. Ban đầu, quán chỉ có những món cơ bản về cà phê. Sau này menu mở rộng, thay đổi liên tục theo mùa để đa dạng hơn”, Vy nói.


Missing Garden nằm trong một căn biệt thự cổ, được xây dựng từ những năm 1940 trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3). Vị trí quán đặt trong con hẻm nhỏ, có diện tích khá rộng rãi với hai tầng, một sân thượng và khoảng sân lớn. Xung quanh được bao phủ bởi cây xanh và giàn hoa giấy, tạo cảm giác thoáng đãng. Quán mới khai trương được 3 tháng, đa số khách tới đây để chụp hình check-in.

Chị Hồng Nhung (sinh năm 1993), chủ quán, cho hay công trình hơn 80 tuổi bị bỏ hoang từ năm 2015, là nhà của một cố danh họa Lê Bá Đảng. Khi tiếp nhận mặt bằng này, chị phải chi ra 1,2 tỷ đồng để cải tạo không gian, trong đó bao gồm sơn chống thấm nước, sửa lại đường điện, nước và lót sàn. “Cấu trúc ban đầu vẫn được giữ nguyên, tôi chỉ thay đổi một vài chỗ và nâng cấp cơ sở hạ tầng để phục vụ cho quán cà phê”, chị Nhung chia sẻ.

Mỗi khi đến các quán cà phê check-in, Gia Hân và Minh Phương (sinh năm 2002) thường chú trọng vào không gian hơn chất lượng đồ uống. Cả hai đến đây từ 9h để bắt được những khoảnh khắc đẹp nhất với nắng nhẹ. “Những tiệm bài trí để ‘sống ảo’, nằm trong biệt thự hoặc gần trung tâm có giá nước khá đắt”, Gia Hân bày tỏ.


Sori cafe & more – nằm trong khuôn viên biệt thự kiểu Pháp trên đường Tú Xương (quận 3) – là điểm check-in nổi tiếng với giới trẻ. Không gian quán gồm hai tầng, được chia thành nhiều khu vực, có cả góc hồ bơi và bức tường trắng treo tranh nghệ thuật.


Sau một năm khai trương, nơi này phụ thu phí chụp ảnh thương mại và những nhóm khách mang vali quần áo, thay nhiều trang phục là 1 triệu đồng/giờ và 1,5 triệu đồng/giờ với ekip không gọi nước.


Kim Ngân và Cẩm Ly (sinh năm 2003) chọn quán cà phê có không gian sang trọng, riêng tư để tổ chức tiệc nhỏ. Cả hai đánh giá cao kiến trúc, cách phục vụ, trải nghiệm đồ uống nhưng chưa hài lòng với việc phải gửi xe ở địa điểm khác. “Hôm nay trời nắng gắt, chúng tôi phải đi bộ quãng đường khá xa từ bãi giữ xe đến quán nên tâm trạng phấn khởi ban đầu cũng giảm đi một chút”, Ngân nói.

Py Nguyễn, quản lý, thừa nhận đó là điểm bất cập mà quán đang cố gắng cải thiện. Do trong hẻm còn các nhà dân sinh sống, việc đặt bãi giữ xe ở nơi khác nhằm hạn chế ồn ào, làm phiền đến mọi người. “Ngoài những bạn trẻ có nhu cầu check-in, chúng tôi cũng hướng đến tệp khách đi cà phê làm việc, họp hành. Quán đang trong quá trình sửa chữa một số khu vực để sắp tới chuyển đổi mô hình”, Py Nguyễn cho biết.


Kinh doanh quán cà phê trong các căn biệt thự theo lối kiến trúc cổ hoặc hiện đại không phải là xu hướng mới ở TP.HCM. Điểm thu hút của mô hình này là có không gian rộng, phù hợp để sử dụng nhiều mục đích khác nhau và vị trí thường ở trung tâm thành phố. Nhiều chủ quán khi cải tạo để buôn bán vẫn giữ nguyên giá trị cổ kính của công trình. Đồng thời, họ bổ sung các yếu tố văn hóa, âm nhạc, nghệ thuật để tạo nên sự khác biệt trên thị trường và có thêm lượng khách. Một số quán cũng mở thêm dịch vụ tổ chức sự kiện, cho thuê không gian làm workshop để tối ưu chi phí.


Tuy nhiên, việc chọn mặt bằng ở những căn biệt thự lâu đời cũng tồn tại nhiều bất cập. Chi phí sửa chữa thường cao hơn so với thuê nhà bên ngoài tùy theo hiện trạng. Đa số những quán cà phê biệt thự hay nằm trong hẻm, khách vãng lai khó tiếp cận. Điều đó đồng nghĩa với việc chủ doanh nghiệp phải bỏ chi phí marketing nhiều hơn. Bên cạnh đó, chỗ gửi xe cũng là một vấn đề phức tạp.


“Các quán theo mô hình check-in thì phải chấp nhận mùa mưa sẽ vắng khách hơn, mọi người ngại ra đường. Tôi nghĩ lợi nhuận sẽ thấp hơn so với những cửa hàng khác, do tiền thuê nhà cũng khá cao”, một chủ quán chia sẻ.

Theo Zingnews