Quán cà phê giường nằm ở TP.HCM, Hà Nội gắn camera để ngăn hành vi 18+

Không có quá nhiều quán cà phê giường nằm ở cả TP.HCM và Hà Nội. Những nơi này đều cấm các hành vi 18+ bằng cách nhắc nhở, dán thông báo hoặc gắn camera.

Chiều cuối tuần, Lê Quyên (sinh năm 1997, phiên dịch viên) cùng bạn trai quyết định tới quán cà phê có giường nằm trên đường Nguyễn Thị Định (quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Đây không phải là lần đầu tiên cả hai đến một không gian như thế này. Cô cũng nhận định nhóm khách chủ yếu của những quán cà phê dạng này sẽ là người trẻ, nhân viên văn phòng muốn tranh thủ những giờ phút nghỉ ngơi ngắn hoặc thích sự riêng tư.

Từng đến các quán cà phê có ô giường nằm ở Hàn Quốc trước đây, Shin Yeon Jung (sinh năm 1994, kỹ sư) “chấm điểm” phiên bản ở Việt Nam cao hơn.

“Quán cà phê phòng ở Hàn cũng có giường nằm nhưng cảm giác không sạch sẽ, ấm cúng như thế này”, anh nói và đánh giá cao cách bày trí, không gian sạch sẽ, ấm áp ở phiên bản Việt.

Bed coffee (cà phê giường nằm/tổ kén/hộp diêm) là mô hình kinh doanh đồ uống xuất phát từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Những quán cà phê này không chỉ phục vụ nước uống, mà còn cho phép khách hàng thuê chỗ nghỉ ngơi trong các buồng riêng, có sắp xếp giường nằm.

Vài năm trở lại đây, mô hình này cũng bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, chủ yếu tại TP.HCM, Hà Nội. Tệp khách hàng chính của mô hình này là sinh viên, nhân viên văn phòng, freelancer (người làm công việc tự do), các cặp đôi trẻ.

Lê Quyên và bạn trai đánh giá cao sự yên tĩnh, riêng tư ở quán.

Lần đầu trải nghiệm

Lần đầu tới quán cà phê có giường nằm theo lời giới thiệu, Phạm Quyên (sinh năm 1992, nhân viên marketing) đánh giá khá cao không gian thoáng mát và trẻ trung ở đây.

“Tôi thấy mức chi phí cho cả đồ uống và thời gian sử dụng giường ngủ này khá hợp lý, bình thường uống cốc trà sữa cũng đã 60.000-70.000 đồng rồi”.

Từng có trải nghiệm khó chịu ở một số quán cà phê quá ồn ào, nữ nhân viên văn phòng cho rằng mô hình quán cà phê này còn có điểm cộng khác là sự yên tĩnh, phù hợp cho những người tới làm việc hoặc học tập, “mệt thì lên giường nằm nghỉ”.

“Vào đây, tôi cũng tự động có cảm giác cần nói chuyện nhỏ nhẹ hơn, tôn trọng không gian chung và những vị khách khác”.

Công ty Quyên có 1 tiếng 30 phút nghỉ trưa. Cô ghé nơi này tranh thủ nghỉ trưa trước khi trở lại làm việc ca chiều.

“Nằm ngủ thoải mái một giấc ở đây, cảm giác thích hơn nhiều so với gục trên ghế”, cô chia sẻ.

Phạm Quyên cho rằng quán thích hợp cho nhân viên văn phòng, học sinh sinh viên.

Ghé vào một quán cà phê giường nằm trên đường Võ Oanh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) vào giữa trưa, Thu Thủy (27 tuổi) và bạn được nhân viên thông báo phải đợi tầm 30 phút mới có buồng trống.

“Vì là giờ cao điểm, chúng tôi chưa thể mua chỗ nằm ngay được. Nhân viên hướng dẫn cả hai mua nước và ngồi đợi ở không gian thường cho đến khi có buồng riêng”.

Thủy cũng từng ghé quán này một vài lần để tìm chỗ nghỉ trưa. Vào cuối tuần, cô thường phải đặt chỗ trước qua website nếu không sẽ phải chờ khá lâu.

Tùy vào số giờ sử dụng phòng riêng và số lượng khách, quán này có 5 loại combo đồ uống kết hợp không gian, với mức giá 80.000-350.000 đồng.

Thủy thường mua gói “take a break” với giá 160.000 đồng, bao gồm 2 tiếng sử dụng phòng riêng và 2 loại đồ uống/bánh.

Mỗi “căn phòng riêng” được trang bị máy lạnh, quạt, rèm, nệm, gối, mền, ổ cắm điện, đèn đọc sách, phù hợp với nhu cầu sử dụng của 1-2 khách. Các giường cũng đều có bảng nội quy và gắn camera để “đảm bảo khách hàng sử dụng không gian đúng mục đích”.

Không gian quán cà phê tổ kén trên đường Võ Oanh, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Gắn camera để cấm hành vi 18+

Vào những ngày cuối tuần, phần lớn chỗ ngồi và giường tại quán cà phê Gosiwon (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã kín chỗ. Mở cửa từ tháng 10/2022, nơi này thu hút nhiều khách hàng nhờ concept mới lạ.

Diệu Linh, nhân viên, cho biết 4/5 tầng của quán được trang bị bàn ghế nhỏ và giường ngủ hộp, lấy cảm hứng từ loại phòng trọ “hộp diêm” goshiwon ở Hàn Quốc.

“Mỗi ô giường ngủ đều có gối, nệm, quạt, bàn nhỏ, rèm che và camera. Ga gối đều được thay mới vào cuối ngày để đảm bảo vệ sinh”.

Để sử dụng dịch vụ, khách hàng sẽ gọi đồ uống hoặc đồ ăn vặt ở quầy pha chế tầng 1. Với hóa đơn dưới 100.000 đồng, khách sẽ có 1 tiếng sử dụng các ô giường ngủ, 2 tiếng cho hóa đơn trên 130.000 đồng và 3 tiếng cho hóa đơn 150.000 đồng trở lên.

Các quán cà phê đặt quy định để đảm bảo không gian chung cho mọi khách hàng.

Nếu muốn sử dụng tiếp khi đã hết thời gian, khách có thể gọi thêm đồ uống hoặc trả phí 50.000 đồng/giờ. Khách hàng chỉ ngồi ở khu bàn ghế sẽ không bị giới hạn thời gian.

Diệu Linh cho rằng sự riêng tư, yên tĩnh và cảm giác thoải mái là điều thu hút khách hàng tới quán.

“Chúng tôi đông khách vào các khung giờ như 12h-15h, 19h-22h, khi mọi người muốn nghỉ trưa hoặc tìm nơi tán gẫu, trò chuyện sau bữa tối”.

Phần lớn khách ghé quán là học sinh sinh viên các trường lân cận, nhân viên văn phòng và đặc biệt là các cặp đôi. Để đảm bảo khách tôn trọng không gian chung, Gosiwon đề ra một số quy định như không hút thuốc, sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn; không mang thú cưng, đồ ăn khác vào quán; không thực hiện hành vi riêng tư, nhạy cảm; không đánh bài, truyền bá mê tín dị đoan…

“Thời gian qua, phần lớn khách tới quán lịch sự, văn minh song cũng có vài trường hợp cố ý vi phạm quy định của quán như có hành động nhạy cảm, che camera. Những lúc như vậy, chúng tôi sẽ nhắc nhở”, Linh cho biết.

Hướng đến đối tượng sinh viên muốn có không gian ôn thi hoặc học nhóm, quán Hơi Béo Cafe (đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM) có mức giá bình dân hơn. Khi mua đồ uống với giá 39.000-59.000 đồng, khách hàng sẽ được sử dụng không gian riêng tư miễn phí.

Các quán cà phê đặt quy định để đảm bảo không gian chung cho mọi khách hàng.

Khách mua không gian riêng tư để học tập, làm việc nhóm.
Ban đầu, quán này kinh doanh theo mô hình cà phê kết hợp khách sạn. Nhưng đến năm 2019, khi ngày càng có nhiều homestay mọc lên trong khu vực, quán đã chuyển sang mô hình tổ kén.

La Yến, chủ quán, cho biết công việc kinh doanh hiện tại khá ổn định.

“Trước đây, tôi thường thấy nhiều người tìm đến các quán cà phê để vừa ngả lưng, vừa làm việc vào buổi trưa. Đó là lý do tôi quyết định kinh doanh cà phê theo mô hình này”, Yến chia sẻ.

Quán chia các gian phòng lớn nhỏ khác nhau, từ những nơi chỉ dành cho 1-2 khách cho đến không gian lớn để học, làm việc nhóm 4-15 người. Vì quán có ít gian lớn hơn, khách thường phải gọi đặt chỗ trước.

Dù đảm bảo cung cấp nơi nghỉ ngơi riêng tư, chủ quán vẫn nhấn mạnh mô hình chỉ giới hạn là quán cà phê và không chấp nhận những khách sử dụng không gian không đúng mục đích.

“Ngay khi khách vào quán, nhân viên đã thông báo trước rằng các gian phòng riêng chỉ dùng để nghỉ ngơi, làm việc, học tập. Các phòng cũng có dán nội quy, bảng cấm rõ ràng”, Yến cho hay.

Theo newszing